Giải đáp thắc mắc: Mẹ bầu gãi bụng có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Trong thời gian mang thai, cơ thể của người mẹ có nhiều sự thay đổi, dẫn đến vô vàn triệu chứng khó chịu. Trong đó, tình trạng ngứa ngáy ở vùng bụng diễn ra phổ biến khiến mẹ có xu hướng thường xuyên gãi bụng. Vậy mẹ bầu gãi bụng có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Câu trả lời sẽ được tiết lộ trong bài viết dưới đây!

Nguyên nhân mẹ bầu bị ngứa bụng

Mẹ bầu thường bị ngứa bụng do nhiều nguyên nhân như: ((Itching During Pregnancy: Causes, Treatments, When to See Your OB. Truy cập ngày 05/ 09/ 2024. https://www.healthline.com/health/pregnancy/itching-during-pregnancy#causes))

  • Căng da: Thai nhi phát triển đồng nghĩa với việc tử cung dần lớn hơn dẫn đến tình trạng căng da bụng. Điều này không chỉ gây ngứa, mà còn làm xuất hiện những đường màu đỏ hồng chạy dọc vùng bụng gọi là vết rạn.
  • Thay đổi hormone: Nồng độ hormone progesterone có nhiều biến động trong thời kỳ mang thai, làm giảm sản xuất bã nhờn trên da. Từ đó, da bị khô và ngứa.
  • Ứ mật thai kỳ: Quá trình gan tiết mật bị cản trở do di truyền, mang đa thai, tiền sử bệnh gan… khiến mật tích tụ rồi rò rỉ vào máu. Triệu chứng thường gặp là ngứa ở bụng, lòng bàn tay và lòng bàn chân, không kèm phát ban.
  • Phát ban khi mang thai (PUPPP): PUPPP thường xảy ra trong 3 tháng đầu thai kỳ do sự thay đổi nồng độ hormone hoặc phản ứng miễn dịch đối với các kháng nguyên của thai nhi. Lúc này, mẹ có thể nhìn thấy mề đay, những nốt mụn nhỏ màu đỏ nổi trên da, chủ yếu ở bụng, đùi, mông kèm theo tình trạng ngứa ngáy khó chịu.
  • Mặc quần áo không phù hợp: Mẹ bầu mặc quần áo quá chật, hoặc quần áo được làm từ chất liệu thô ráp chà xát lên da gây tổn thương và ngứa.
  • Dị ứng hóa chất: Nước hoa hoặc bột giặt, nước xả vải có thể là nguyên nhân gây kích ứng da, dẫn đến ngứa và nổi phát ban. 
Căng da bụng khi mang thai dẫn đến ngứa và xuất hiện vết rạn.

Mẹ bầu gãi bụng có ảnh hưởng đến thai nhi không?

Vậy mẹ bầu gãi bụng có sao không? Dù bị ngứa do bất kỳ nguyên nhân nào, mẹ bầu cũng KHÔNG NÊN gãi bởi những lý do như sau:

  • Không giảm ngứa: Gãi bụng chỉ mang lại cảm giác thoải mái tạm thời, nhưng không giải quyết được nguyên nhân và làm dứt điểm cơn ngứa. Thậm chí gãi nhiều còn kích thích các đầu dây thần kinh khiến tình trạng ngứa dễ tái phát và trở nên tồi tệ hơn. 
  • Tổn thương da: Trong thời gian mang thai, da bụng bị kéo căng, trở nên mỏng và nhạy cảm hơn. Vì vậy, nếu gãi mạnh và liên tục có thể khiến da bị xước, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm kèm triệu chứng phát ban, mụn nước ảnh hưởng đến thẩm mỹ cũng như sức khỏe mẹ bầu.

Mẹ bầu gãi bụng có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Câu trả lời là KHÔNG. Việc gãi bụng không tác động trực tiếp đến quá trình phát triển của thai nhi do thai nhi được bảo vệ bởi thành tử cung và lớp túi nước ối. Gãi quá nhiều chỉ ảnh hưởng xấu đến da, cũng như sức khỏe của mẹ bầu.

Gãi bụng liên tục khiến da bị trầy xước và viêm nhiễm.

Cách phòng ngừa và làm giảm ngứa bụng khi mang thai

Ngứa bụng xuất hiện liên tục khiến mẹ bầu cảm thấy khó chịu, căng thẳng, mất ngủ. Vì vậy, việc phòng ngừa và áp dụng phương pháp cải thiện tình trạng này là vô cùng quan trọng. 

Cách phòng ngừa ngứa bụng khi mang thai

Một số cách phòng ngừa ngứa bụng an toàn, hiệu quả cho bà bầu: ((Itchy Belly Button During Pregnancy: Causes and Treatment. Truy cập 05/ 09/ 2024. https://www.healthline.com/health/pregnancy/itchy-belly-button-during-pregnancy#treatment))

  • Không tắm nước quá nóng: Nước quá nóng khiến da nhanh khô dẫn đến ngứa bụng trầm trọng. Vì vậy, mẹ bầu nên tắm bằng nước đủ ấm trong thời gian ngắn (dưới 10 phút). 
  • Mặc quần áo thoải mái: Lựa chọn quần áo vừa vặn với cơ thể, được làm từ chất liệu mềm mại như cotton để không gây kích ứng hoặc chà xát mạnh lên da.
  • Giữ ẩm cho da: Thoa kem dưỡng ẩm dành riêng cho bà bầu đều đặn mỗi ngày, đặc biệt là sau khi tắm để da bụng luôn mềm mại, không bị khô và căng quá mức.
  • Uống đủ nước: Uống đủ 1.5 - 2 lít nước mỗi ngày để da luôn ẩm mượt và đàn hồi tốt hơn từ sâu bên trong. 
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm: Mẹ bầu có thể dùng máy để giữ không khí xung quanh luôn ẩm và mát, giúp da không bị khô. 
Thường xuyên bôi kem dưỡng ẩm để da không bị khô và ngứa.

Cách giảm ngứa bụng khi mang thai

Một số phương pháp giảm ngứa bụng khi mang thai đơn giản, hiệu quả: ((Pregnancy Rash: 7 Types, Appearance, Home Remedies. Truy cập ngày 05/ 09/ 2024. https://www.verywellhealth.com/itching-and-rashes-during-pregnancy-82664))

  • Chườm lạnh: Đặt túi đá hoặc khăn ướt lên vùng da bụng trong khoảng 5 - 10 phút giúp đẩy lùi tình trạng ngứa ngáy, khó chịu. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp với làn da đang bị phát ban, nổi mụn nước, viêm nhiễm. 
  • Sử dụng thuốc: Mẹ bầu tham khảo ý kiến bác sĩ để lựa chọn loại thuốc bôi trị ngứa an toàn, lành tính và sử dụng theo đúng hướng dẫn. Sau đó, đừng quên dùng kem dưỡng ẩm cho toàn bộ cơ thể, ngay cả những vùng da vừa điều trị bằng thuốc.  
  • Tắm với bột yến mạch: Yến mạch được biết đến với khả năng làm mềm da và giảm viêm vô cùng hiệu quả. Vì vậy, mẹ bầu có thể tắm nước ấm pha với bột yến mạch để làm dịu da nhanh chóng, giảm kích ứng và ngứa ngáy. 
  • Dùng gel lô hội: Gel lô hội tự nhiên có đặc tính làm mát da, hạn chế tình trạng kích ứng mà không ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu. Do đó, mẹ có thể thoa một lớp gel lô hội mỏng ngay khi cảm thấy ngứa da bụng. 
Gel lô hội giúp giảm ngứa da bụng khi mang thai. 

Gãi bụng có gây rạn da không?

Gãi bụng không phải là nguyên nhân gây rạn da. Rạn da thường xuất hiện khi da bị căng giãn quá mức trong thời gian ngắn do sự phát triển của thai nhi, chủ yếu ở vùng bụng, hông và đùi. Vết rạn ban đầu thường có màu hồng, đỏ, tím hoặc nâu sẫm, sau đó nhạt dần và chuyển sang màu trắng hoặc bạc mà không biến mất hoàn toàn. 

Tuy nhiên, gãi bụng liên tục có thể khiến tình trạng rạn da trở nên tồi tệ hơn, để lại sẹo, thậm chí gây trầy xước dẫn đến nhiễm trùng. 

Mong rằng bài viết trên giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Mẹ bầu gãi bụng có ảnh hưởng đến thai nhi hay không?”. Mời bạn truy cập website mangthaikhoe.vn để cập nhật thêm nhiều thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, đừng ngần ngại liên hệ hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn trực tiếp từ các chuyên gia đầu ngành.

Bài viết liên quan
Chia sẻ của mẹ bầu