Mang thai tuần 23: Những thay đổi trong sự phát triển của thai nhi và cơ thể của người mẹ

Sự phát triển của bé khi mẹ mang thai tuần 23

Đặc điểm chung

Tính từ đầu đến mông, thai nhi có chiều dài khoảng 18 - 20 cm, nặng khoảng 400 - 450 g. Kích thước này tương đương với một con búp bê nhỏ. Cơ thể thai nhi bắt đầu lớn dần, nhưng da của thai nhi vẫn có những nếp nhăn. Vào giai đoạn này, các lông tơ trên cơ thể bé thỉnh thoảng đậm màu hơn. Mặt và cơ thể của thai nhi bắt đầu trông giống hình dạng của một trẻ sơ sinh sắp chào đời.

Hoóc môn

Tuần 23 của thai kỳ, tụy của thai nhi vẫn đang phát triển. Cơ quan này có vai trò rất quan trọng trong việc sản xuất ra hoóc môn. Đặc biệt là insulin – nó rất cần thiết cho cơ thể, giúp phân giải và hấp thụ đường. Khi lượng đường trong máu thai nhi vượt mức, tuyến tụy phản ứng bằng cách tăng mức insulin trong máu.

Insulin được tìm thấy trong tụy của bào thai ở tuần thứ 9, đến đầu tuần thứ 12 nó được phát hiện có trong máu của thai nhi. Ở trẻ sơ sinh có mẹ mắc bệnh tiểu đường, lượng insulin trong máu thường cao. Đó là lý do vì sao bác sĩ thường chú ý đến bệnh tiểu đường ở phụ nữ mang thai.

Những thay đổi khác

Ở tuần thứ 23, những mạch máu trong phổi bé đang phát triển để chuẩn bị cho việc hô hấp. Bây giờ bé đã nghe được nhiều âm thanh hơn, âm thanh lớn như: tiếng chó sủa hay tiếng kêu của máy hút bụi trở nên quen thuộc với bé. Sau này được sinh ra, những âm thanh này không làm bé giật mình.

Khi mẹ bật nhạc và lắc lư theo điệu nhạc, bé có thể cảm nhận mẹ đang khiêu vũ. Ngược lại, mẹ cũng có thể cảm nhận được sự uốn éo, vặn mình của bé khi ở trong bụng.

Mẹ mang thai 23 tuần có những thay đổi như thế nào

Thay đổi về cơ thể

Sự lưu thông chậm chạp của mạch máu ở chân, thay đổi về mặt hoá học trong máu là nguyên nhân gây nên sự tích trữ nước, khiến mẹ bị phù. Sau khi sinh, mẹ sẽ mất nước nhiều, mẹ thường xuyên đi tiểu và tiết mồ hôi rất nhiều trong vài ngày sau sinh.

Mang thai 23 tuần, mẹ nên nằm nghiêng về bên trái hoặc gác chân lên cao, căng chân ra khi ngồi và tránh ngồi hoặc đứng ở một vị trí cố định trong thời gian dài. Mẹ cũng cố gắng tập thể dục thường xuyên để tăng khả năng lưu thông máu. Hãy chọn những đôi giày và tất thoải mái, rộng rãi.

Mẹ hạn chế chất lỏng vào cơ thể để tránh tình trạng trữ nước. Nhưng mẹ cần uống nhiều nước, vì sự bổ sung nước thực tế lại ngăn cản việc trữ nước trong cơ thể. Khi mang thai, nếu chứng phù chân của mẹ ở giới hạn thấp là tình trạng bình thường. Nhưng sự sưng phồng quá độ có thể là dấu hiệu nguy hiểm của chứng tiền sản giật. Để an toàn, hãy hỏi bác sĩ khi mẹ có dấu hiệu nghiêm trọng và đột ngột của chứng sưng phù ở chân, mắt cá chân, tay, mặt và xuất hiện những bọng nước quanh mắt.

Dinh dưỡng ở tuần mang thai 23

Mẹ cần thận trọng với hàm lượng natri hấp thụ vào cơ thể trong thời kỳ mang thai. Hấp thụ quá nhiều natri có thể khiến cơ thể mẹ trữ nước, dẫn đến sưng phù. Vì thế, mẹ hãy tránh các loại thức ăn chứa nhiều natri và muối như: lạc rang muối, khoai tây chiên, dưa muối, thức ăn đóng hộp và đồ ăn sẵn.

Lưu ý

Tuy còn trong bụng mẹ, nhưng sự phát triển của mỗi thai nhi đều có những khác biệt. Thông tin về sự phát triển của thai nhi khi mang thai 23 tuần chúng tôi đưa trên đây nhằm cung cấp cho mẹ những hiểu biết chung nhất về sự phát triển của các bé giai đoạn này.

Bài viết liên quan
Chia sẻ của mẹ bầu