Giải đáp thắc mắc: Mang thai bao nhiêu tuần thì sinh là lý tưởng nhất?

Mang thai là một hành trình kỳ diệu và đầy thử thách đối với bất kỳ người phụ nữ nào. Một trong những câu hỏi thường gặp nhất trong suốt thời gian này là: "Mang thai bao nhiêu tuần thì sinh?". Để hiểu rõ hơn về quá trình mang thai và các yếu tố ảnh ảnh hưởng đến thời điểm sinh nở, mời bạn tìm hiểu thêm thông tin trong bài viết dưới đây.

Mang thai bao nhiêu tuần thì sinh là lý tưởng nhất?

Ngoài việc biết mang thai bao nhiêu tuần thì sinh, bạn cần tìm hiểu thêm về cách tính tuổi thai theo tuần để theo dõi sự phát triển của thai nhi và xác định thời điểm dự sinh. 

Cách tính tuổi thai theo tuần

Để tính tuổi thai theo tuần, bạn có thể áp dụng phương pháp phổ biến nhất hiện nay là tính từ ngày đầu của kỳ kinh cuối (LMP) với các bước đơn giản như sau. ((Committee Opinion No 700: Methods for Estimating the Due Date. Truy cập ngày 29/ 05/ 2024.
https://journals.lww.com/greenjournal/fulltext/2017/05000/committee_opinion_no_700__methods_for_estimating.50.aspx)).

  • Bước 1: Xác định ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối cùng trước khi bạn mang thai.
  • Bước 2: Đếm số ngày từ ngày đầu của kỳ kinh cuối đến hiện tại. 
  • Bước 3: Chia số ngày trên cho 7 được số tuần tuổi của thai nhi. 

Ví dụ: Ngày đầu của kỳ kinh cuối là 01/ 01, ngày hiện tại là 01/ 03. Từ 01/ 01 đến 01/ 03 có 59 ngày (bao gồm cả ngày đầu và ngày cuối). Sau khi chia 59 ngày cho 7 ta được 8 tuần và 3 ngày. Vậy tuổi thai của bạn vào ngày 01/ 03 là 8 tuần và 3 ngày.

Tuy nhiên, phương pháp này không chính xác tuyệt đối và không phù hợp với những người bị rối loạn kinh nguyệt. 

Để biết tuổi thai một cách chính xác hơn, bạn nên áp dụng phương pháp siêu âm. Trong ba tháng đầu tiên, siêu âm đo chiều dài từ đỉnh đầu đến mông của em bé giúp tính toán tuổi thai và ngày dự sinh. Trong giai đoạn sau của thai kỳ, siêu âm sẽ đo các bộ phận cụ thể trên cơ thể em bé bao gồm: bụng, đầu và xương đùi để ước tính ngày em bé chào đời một cách chuẩn xác nhất.

Đối với trường hợp mang thai nhờ công nghệ hỗ trợ sinh sản như IVF, tuổi của phôi thai và ngày thụ thai được sử dụng để tính tuổi thai.

Tính tuổi thai theo tuần để xác định thời điểm dự sinh của bé.

Mang thai bao nhiêu tuần thì sinh?

Vậy mang thai bao nhiêu tuần thì sinh? Thai đủ ngày là thai 40 tuần tuổi. Tuy nhiên, không phải ai cũng sinh vào thời điểm này. Nếu mẹ chuyển dạ trong khoảng 39 - 41 tuần tuổi thì không cần phải lo lắng. Bởi trong khoảng thời gian này, nguy cơ biến chứng sơ sinh xảy ra với tỷ lệ thấp nhất, đảm bảo an toàn, khỏe mạnh cho cả mẹ và bé. ((How Many Weeks Early Can You Safely Give Birth? Truy cập ngày 29/ 05/ 2024. https://www.healthline.com/health/pregnancy/how-many-weeks-is-it-safe-to-give-birth#how-many-weeks-ideal))

Nếu em bé chào đời trước 37 tuần tuổi nghĩa là sinh non. Sinh non được chia thành các mức độ như sau:

  • Sinh cực non (Trước 28 tuần tuổi): Trẻ có nguy cơ cao gặp phải nhiều biến chứng nghiêm trọng như: các vấn đề về hô hấp (bệnh màng trong), xuất huyết não thất, viêm ruột hoại tử và nhiễm trùng.
  • Sinh rất non (Trong khoảng 28 - 32 tuần tuổi): Bé vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến hô hấp, tiêu hóa và nhiễm trùng nhưng ở mức độ nhẹ hơn.
  • Sinh non vừa và muộn (Trong khoảng 33 - 37 tuần tuổi): Trẻ thường gặp các vấn đề bao gồm: khó thở, vàng da, khó khăn trong việc bú sữa và duy trì nhiệt độ cơ thể, ít xảy ra các biến chứng nghiêm trọng nhưng vẫn có nguy cơ cao hơn so với trẻ sinh đủ tháng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới WHO, ước tính có khoảng 13,4 triệu trẻ sơ sinh được sinh ra quá sớm vào năm 2020, hay nói cách khác cứ 10 trẻ sơ sinh thì có hơn 1 trẻ sinh non. Khoảng 900.000 trẻ tử vong vào năm 2019 do biến chứng sinh non. Nhiều người sống sót phải đối mặt với khuyết tật suốt đời, đặc biệt nhất là các vấn đề về thị giác, thính giác và phát triển trí tuệ. ((Preterm birth. Truy cập ngày 29/ 05/ 2024.
https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/preterm-birth#))

Một thai kỳ kéo dài quá 40 tuần và chưa có dấu hiệu sinh được chia thành 2 giai đoạn:

  • Thai già ngày: Thai kỳ kéo dài từ 41 đến 42 tuần.
  • Thai già tháng: Thai kỳ kéo dài hơn 42 tuần.

Tình trạng này có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng. Thai nhi quá lớn gây khó khăn khi sinh, dễ bị tổn thương, hít phân su vào phổi ảnh hưởng đến hô hấp. Nhau thai không còn hoạt động hiệu quả làm giảm khả năng cung cấp oxy và dinh dưỡng cho bé. Ngoài ra, thai già tháng còn làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tổn thương đường sinh dục, xuất huyết sau sinh ở sản phụ. 

Trẻ sinh non dễ bị vàng da do tăng nồng độ bilirubin trong máu.

Nguyên nhân gây sinh non

Sinh non có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các yếu tố liên quan đến sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Nguyên nhân do thai

  • Đa thai: Mang thai đôi, thai ba hoặc nhiều hơn làm tăng áp lực lên tử cung.
  • Bất thường thai nhi: Thai nhi có bất thường về cân nặng, chiều dài, tỉ lệ cơ thể, mắc các hội chứng bẩm sinh như hội chứng Down, hội chứng Edwards… ảnh hưởng đến quá trình phát triển, làm tăng nguy cơ sinh non. 
  • Thiểu ối hoặc đa ối: Lượng nước ối bị thiếu hoặc quá nhiều có thể tác động tiêu cực đến sự phát triển toàn diện của em bé. 

Nguyên nhân do mẹ

  • Các bệnh lý mãn tính: Mẹ mắc các bệnh mãn tính như: đái tháo đường, cao huyết áp, bệnh tim… có nguy cơ sinh non cao hơn.
  • Nhiễm trùng: Nhiễm trùng trong thai kỳ, chẳng hạn như: nhiễm trùng đường tiểu, đường âm đạo, tử cung, nước ối… là nguyên nhân kích thích các cơn co tử cung và dẫn đến sinh non.
  • Tiền sử sinh non hoặc sảy thai: Phụ nữ từng sinh non hoặc sảy thai có thể mắc một số biến chứng như: sưng tử cung, mất nước ối… làm tăng nguy cơ sinh non trong các thai kỳ sau. 
  • Các vấn đề về tử cung hoặc cổ tử cung: Các vấn đề như: tử cung đôi, tử cung hình tim, cổ tử cung yếu, cổ tử cung ngắn… khiến việc giữ thai và duy trì một môi trường an toàn, ổn định cho sự phát triển của thai nhi trở nên khó khăn hơn.
  • Sử dụng chất kích thích: Phụ nữ mang thai hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, uống rượu bia… có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng cho thai nhi.
  • Khoảng cách giữa các lần mang thai ngắn: Khoảng cách giữa các lần mang thai quá ngắn (dưới 6 tháng) có thể làm tăng nguy cơ sinh non. Lý tưởng nhất là đợi từ 18 - 24 tháng để cơ thể mẹ hồi phục, đủ điều kiện mang thai lần tiếp theo.
  • Thừa cân trước khi mang thai: Thừa cân là nguyên nhân gây rối loạn nội tiết và chuyển hóa, dẫn đến tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp, hội chứng buồng trứng đa nang. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Thiếu cân trước khi mang thai: Người thiếu cân thường thiếu hụt các chất dinh dưỡng cần thiết, hệ miễn dịch yếu, thiếu mỡ cơ thể, tử cung và nhau thai kém phát triển… nên không thể bảo vệ và cung cấp đủ máu, dinh dưỡng cho thai nhi.
  • Độ tuổi: Mang thai trước 17 tuổi hoặc sau 35 tuổi có nguy cơ sinh non cao.

Hút thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến sinh non và các biến chứng nguy hiểm khác.

Sinh non có nguy hiểm không?

Sinh non ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Các biến chứng lâu dài thường xảy ra đối với bé bao gồm: ((Premature birth - Symptoms and causes. Truy cập ngày 29/ 05/ 2024.
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/premature-birth/symptoms-causes/syc-20376730))

  • Bại não: Nhiều trẻ sinh non phải đối diện với các rối loạn liên quan đến vận động, trương lực cơ hoặc tư thế. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm trùng, lưu lượng máu kém, hệ thống miễn dịch chưa phát triển toàn diện, chấn thương não…
  • Vấn đề về học tập: Bé sinh không đủ tháng thường chậm phát triển trí tuệ, gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng ngôn ngữ như nói, đọc, viết và hiểu thông tin, rối loạn tăng động làm giảm khả năng tập trung và kiểm soát hành vi.
  • Vấn đề về sức khỏe tâm thần: Bé có nguy cơ cao bị rối loạn tâm lý như lo âu, trầm cảm, dễ bị tự kỷ, rối loạn giao tiếp, khó thích ứng với môi trường xung quanh và không học được cách tự chăm sóc bản thân.
  • Vấn đề về mắt: Trẻ sinh non dễ mắc phải bệnh võng mạc do các mạch máu sưng lên và phát triển quá nhiều trong mô cảm nhận ánh sáng ở phía sau mắt. Những mạch máu phát triển quá mức từ từ trở thành sẹo võng mạc và kéo nó ra khỏi vị trí bình thường, gọi là bong võng mạc. Nếu không điều trị, tình trạng này có thể gây hại cho thị lực, dẫn đến mù vĩnh viễn. 
  • Vấn đề về thính giác: Bé có nguy cơ cao bị mất khả năng nghe. Vì vậy, tất cả trẻ sinh non đầu cần kiểm tra thính giác trước khi xuất viện về nhà.
  • Vấn đề về răng: Bé sinh không đủ tháng dễ mắc các khuyết tật ở lớp vỏ cứng bên ngoài của răng (gọi là men răng) và răng chậm phát triển.
  • Các vấn đề khác: Trẻ sinh non dễ bị nhiễm bệnh, hen suyễn, gặp nhiều khó khăn trong việc ăn uống. Các bé cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), dẫn đến tử vong khi ngủ.

Phụ nữ sinh non phải đối diện với nhiều biến chứng như: viêm nhiễm, rạn nứt tử cung, xuất huyết nhiều sau sinh và nguy cơ sinh non cao hơn cho những thai kỳ sau. 

Nhiều trẻ sinh non bị rối loạn vận động, gặp khó khăn trong việc di chuyển.

8 điều mẹ cần làm để có thai kỳ khỏe mạnh nhất

Sau khi giải đáp thắc mắc: “Mang thai bao nhiêu tuần thì sinh?”, mẹ lưu ý những vấn đề quan trọng sau để có một thai kỳ khỏe mạnh: 

  • Có kế hoạch mang thai cụ thể: Nên thiết lập một kế hoạch cụ thể liên quan đến công việc, vấn đề tài chính, chế độ dinh dưỡng, môi trường nghỉ ngơi trước và sau sinh… Điều này giúp bạn cảm thấy an tâm, thoải mái và ổn định tâm trạng hơn trong suốt quá trình mang thai.
  • Chuẩn bị sức khỏe tốt nhất trước khi mang thai: Tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để đảm bảo bạn đang trong tình trạng sức khỏe ổn định trước khi mang thai, sàng lọc di truyền, quản lý tốt các bệnh mãn tính như: đái tháo đường, cao huyết áp, tim mạch…
  • Không hút thuốc và sử dụng chất kích thích: Việc hút thuốc lá, sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác có thể làm giảm khả năng thụ thai và gây ra các vấn đề sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi.
  • Giữ tâm trạng vui tươi, khỏe khoắn: Nuôi dưỡng hạnh phúc khi mang thai là điều quan trọng giúp ổn định hormone trong cơ thể mẹ, xây dựng nền tảng tinh thần và sự phát triển não bộ khỏe mạnh cho bé, hạn chế các biến chứng như: sinh non, nhẹ cân.
  • Đến bệnh viện ngay khi có bất thường về tâm lý: Nếu bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào ảnh hưởng xấu đến tâm lý như: lo âu, trầm cảm hoặc căng thẳng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia ngay lập tức để nhận được tư vấn tốt nhất.
  • Không yêu cầu sinh con trước ngày dự sinh: Nhiều phụ nữ có xu hướng xem ngày đẹp để sinh con. Điều này có thể “ép” bé chào đời sớm hơn mặc dù chưa phát triển toàn diện, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Do đó, bạn nên khám thai định kỳ và cố gắng đảm bảo sức khỏe để việc sinh nở diễn ra tự nhiên. 
  • Luyện tập thể thao: Thực hiện các bài tập như: đi bộ, bơi lội, yoga… với cường độ phù hợp khoảng 30 phút mỗi ngày giúp cải thiện sức khỏe tổng thể cho cả mẹ và bé.
  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng: Cung cấp đủ các dưỡng chất quan trọng như: axit folic, canxi, sắt… từ chế độ ăn uống cân đối và thực phẩm chức năng để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.

Mong rằng bài viết trên đã cung cấp thông tin chi tiết giúp bạn giải đáp thắc mắc: “Mang thai bao nhiêu tuần thì sinh?”. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh và hạnh phúc! Nếu có băn khoăn nào cần giải đáp, bạn đừng ngần ngại truy cập ngay vào website mangthaikhoe.vn hoặc gọi điện cho hotline 1900 636 985 để nhận được tư vấn từ các chuyên gia.

Bài viết liên quan
Chia sẻ của mẹ bầu