Mang thai tuần 33: Những điều mẹ cần lưu ý trong tuần này.
Mang thai tuần 33 là thời điểm cân nặng của thai nhi liên tục tăng. Trong tuần này bé có thể tăng lên khoảng 200 gram, khung xương của bé trở nên cứng cáp hơn và khả năng miễn dịch của bé cũng đang phát triển. Vì vậy, mẹ cũng cần lưu ý có chế độ dinh dưỡng tốt để giúp bé phát triển toàn diện.
1. Sự phát triển của thai nhi khi mang thai tuần 33
1.1. Cân nặng của thai nhi
Ở tuần mang thai thứ 33, trọng lượng và kích thước của bé phát triển hơn so với tuần 32. Bắt đầu từ thời điểm này cho đến lúc sinh là thời điểm bé tăng nhanh vượt trội. Thai 33 tuần cân nặng 2kg, chiều dài cơ thể là 42 - 43 cm ( chiều dài tính từ đầu đến mông khoảng 29 - 30 cm).
1.2. Sự phát triển của hộp sọ
Các xương trong hộp sọ thai nhi vẫn chưa cứng cáp và liền nhau. Điều này khiến cho các xương trong hộp sọ chồng lên nhau. Chính vì thế, việc di chuyển của thai nhi qua ống sinh dễ dàng. Tuy nhiên, áp lực trong quá trình sinh có thể khiến cho đầu của trẻ bị méo và dẹt. Các xương này sẽ hợp lại dần cho đến khi trưởng thành.
1.3. Thay đổi về làn da
Da của thai nhi đang dần mất đi sự nhăn nheo, bớt đỏ và mịn màng hơn. Bé của mẹ sẽ nhanh chóng mất đi vẻ ngoài nhăn nheo và làn da của bé bớt đỏ và trong suốt hơn.
1.4. Sự chuyển động của cơ thể
Khi mang thai tuần 33, kích thước của trẻ càng ngày càng lớn. Điều này khiến cho không gian trong tử cung mẹ thu hẹp lại. Vì vậy, bé không thể thực hiện những cú nhào lộn, nhưng vẫn sẽ thực hiện những cú đá như trước.
Mẹ nhớ kiểm tra chuyển động của thai nhi hai lần một ngày - vào buổi sáng và buổi tối. Mẹ hãy theo dõi và đếm những cú đá của bé. Nếu trong vòng 2 giờ mẹ không cảm nhận được hoạt động nào, mẹ hãy ăn nhẹ hoặc một ít nước trái cây, nằm xuống và tiếp tục theo dõi.
1.5. Trẻ phân biệt được ngày và đêm
Mắt của trẻ cũng đang dần hoàn thiện, trẻ có thể nhắm mắt khi ngủ và mở mắt khi thức. Đồng thời ở giai đoạn này thành tử cung của mẹ mỏng dần khiến cho ánh sáng có thể xuyên qua giúp bé nhận biết được ngày đêm.
1.6. Sự phát triển của hệ thống miễn dịch
Lúc này hệ thống miễn dịch của bé cũng đang dần phát triển. Các kháng thể từ cơ thể mẹ được truyển từ mẹ sang con. Điều này sẽ giúp cho trẻ có thể tự kháng lại được các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bé.
2. Những thay đổi của mẹ khi mang thai tuần 33
2.1. Khó ngủ
Mang thai tuần 33, trọng lượng thai nhi to dần khiến cho hoạt động của mẹ khó khăn hơn. Mẹ sẽ cảm thấy khó chịu trong quá trình di chuyển cũng như nằm hay ngồi. Để giải quyết tình trạng này mẹ hãy dùng gối ngủ của bà bầu để ngủ dễ dàng hơn.
2.2. Đau cổ tay
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do dây thần kinh bị chèn ép gây đau nhức và tê ở các ngón tay, cổ tay và bàn tay. Giống như như những mô khác trong cơ thể, các mô ở cổ tay cũng có khả năng giữ lại chất lỏng khiến cho áp lực ở ống cổ tay tăng lên.
Để khắc phục được những triệu chứng này, mẹ hãy thử dùng một cái nẹp giúp ổn định cổ tay hoặc khi ngủ mẹ hãy chống tay lên một cái gối. Còn nếu công việc của mẹ bắt buộc phải cử động tay nhiều ( đánh máy tính, làm việc trên dây chuyền máy móc,...) thì hãy duỗi tay khi nghỉ ngơi mẹ nhé.
2.3. Suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng thường gặp ở mẹ mang thai tuần 33. Tuy nhiên tình trạng này thường không quá nguy hiểm cho mẹ. Và triệu chứng này sẽ mất đi sau khi sinh con.
Để giảm thiểu tình trạng suy giãn tĩnh mạch khi nằm ngủ mẹ chú ý kê cao chân để làm giảm sức ép lên chân, giảm phù. Đồng thời khi ngồi lâu mẹ cũng cần thay đổi tư thế để phần nào giảm đi tình trạng sưng phù cho mẹ.
2.4. Tăng ham muốn tình dục
Ở thời điểm này, nhiều thai phụ vẫn còn ham muốn tình dục. Nhưng mẹ cần điều chỉnh để đảm bảo cho sự an toàn của bé. Tuy nhiên, nếu không có các dấu hiệu nào bất thường thì bạn vẫn có thể duy trì sinh hoạt vợ chồng ở mức độ nào đó.
3. Mang thai tuần 33 - Mẹ cần chuẩn bị những gì?
Trong những tháng cuối này, cơ thể trẻ phát triển nhanh chóng nên cần rất nhiều chất dinh dưỡng cho sự phát triển của bé, Vì vậy mẹ hãy lưu ý sự bổ sung dinh dưỡng trong giai đoạn này rất cần thiết.
Lúc này bộ não của trẻ cũng đang dần hoàn thiện nên mẹ hãy nhớ bổ sung đủ omega-3. Đây là một loại acid béo quan trọng trong quá trình phát triển thị lực và bộ não của bé. Hơn nữa, nó có vai trò hạn chế nguy cơ sinh non và chống trầm cảm sau sinh. Mẹ có thể sử dụng các loại dầu béo, cá hồi, tôm, cá da trơn để bổ sung đủ DHA cho bé.
Ngoài ra, thời điểm này canxi cũng rất quan trọng đối với cả mẹ và thai nhi. Để cơ thể hấp thu tốt canxi thì mẹ cần bổ sung thêm vitamin D. Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng các viên bổ sung canxi hữu cơ. Nguồn bổ sung thực phẩm có giàu canxi và sắt là sữa, đặc biệt là sữa không đường. Vì vậy, ở thời điểm này mẹ hãy tăng cường bổ sung sữa, hoặc các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa để đảm bảo đủ nhu cầu canxi cho bé trong giai đoạn này.
Khi mang thai tuần 33, mẹ nên đi bộ nhiều hơn để quá trình “vượt cạn” của mẹ diễn ra dễ dàng. Đồng thời, mẹ cũng có thể tập các bài thể dục nhẹ nhàng giúp tăng cường sức khỏe cho mẹ.
Hy vọng những thông trên đây sẽ hữu ích cho mẹ, giúp cho mẹ có những kiến thức về những gì xảy ra trong tuần mang thai thứ 33. Từ đó có sự chuẩn bị sẵn sàng cho sự chào đời của con.
Nếu còn có thắc mắc, mẹ hãy liên hệ tới hotline: 1900 63 69 85 để nhận được sự hỗ trợ từ Dược sỹ chuyên môn của mang thai khỏe mẹ nhé!
DS chuyên môn: DS Trần Thanh Bình
- DS lâm sàng ĐH Dược Hà Nội
- Phụ trách chuyên môn nhãn hàng Wooshin Labottach, Aplicaps Việt Nam, nhãn hàng nhi khoa Bioamicus
Tài liệu tham khảo:
https://www.nhs.uk/start4life/pregnancy/week-by-week/3rd-trimester/week-33/
- Giải đáp thắc mắc: Mang thai bao nhiêu tuần thì sinh là lý tưởng nhất?
- Hình ảnh siêu âm thai 4 tuần tuổi có tim thai chưa? Thai nhi đã vào tử cung chưa?
- Thai 9 tuần bụng đã to chưa? Dấu hiệu thai 9 tuần phát triển khỏe mạnh
- Kích thước túi thai theo tuần thay đổi như thế nào? Xem ngay!
- Thai 14 tuần biết trai hay gái chưa? Chuyên gia trả lời